VIÊM CỔ TỬ CUNG – CERVICITIS

Thứ sáu - 21/04/2023 02:35
Viêm cổ tử cung là bệnh lý thường gặp, đặc trưng bởi tình trạng viêm có thể do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng ở niêm mạc cổ tử cung. Bệnh có thể cấp tính, khởi phát rầm rộ và nặng nề hoặc mạn tính khi tồn tại và phát triển nhiều tháng hoặc nhiều năm. Viêm cổ tử cung nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể lan lên trên cao hơn và gây viêm nội mạc tử cung và viêm vùng chậu (PID) ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và mang thai sau này.

1. Nguyên nhân
Có thể chia thành 2 nhóm là nhiễm trùng và không nhiễm trùng 

  • Các nguyên nhân nhiễm trùng: Lậu cầu, Chlamydia trachomatis, HSV, Trichomonas vaginalis, and Mycoplasma genitalium, trong đó hay gặp nhất là Neisseria gonorrhea (lậu cầu), và Chlamydia trachomatis.
  • Các nguyên nhân không nhiễm trùng gồm các chất dễ gây kích ứng như cơ học và hóa học. Các dụng cụ phẫu thuật hoặc những vật thể lạ như ống soi, bao cao su, màng ngăn, nắp cổ tử cung hoặc tampon có thể gây ra chấn thương cơ học. Các chất kích ứng hóa học gây ra các phản ứng dị ứng bao gồm sản phẩm giặt là, chất diệt tinh trùng, các dung dịch vệ sinh phụ nữ, cũng như các dụng cụ phòng tránh thai khác. 
  • Trên lâm sàng khó phân biệt được nguyên nhân do nhiễm trùng và nguyên nhân khác mà thường xác định qua chẩn đoán loại trừ và thăm khám hỏi bệnh kĩ càng. 

2. Dấu hiệu
Thông thường, viêm cổ tử cung không có dấu hiệu và ít triệu chứng trên lâm sàng , chủ yếu được phát hiện khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ hoặc vô tình phát hiện cùng 1 bệnh khác. 
Cần khai thác kĩ tiền sử về các chất hoá học hoặc dụng cụ có thể gây dị ứng hoặc tổn thương tại chỗ. Các dấu hiệu về đau bụng hoặc viêm đường tiết niệu cũng nên được ghi nhận. Tất cả phụ nữ có nghi ngờ viêm cổ tử cung nên được thăm khám khung chậu và phụ khoa cẩn thận.
Một số triệu chứng nếu có bao gồm:

  • Dịch tiết âm đạo nhiều bất thường: mủ, loãng, máu…
  • Đau khi giao hợp
  • Xuất huyết âm đạo bất thường: ngoài chu kì hoặc sau khi quan hệ. 
  • Khi thăm khám bằng mỏ vịt có thể quan sát thấy cổ tử cung đỏ rực, có thể có giả mạc che phủ, chạm vào dễ chảy máu
  • Một số triệu chứng đặc biệt có thể giúp định hướng đến nguyên nhân gây bệnh như: xuất huyế dạng chấm (hình ảnh âm đạo quả dâu tây) gợi ý đến trichomonas, trong khi mụn nước và vết loét nghĩ đến nhiễm HSV. Chú ý rằng dù thăm khám bình thường nhưng KHÔNG THỂ LOẠI TRỪ CÓ NHIỄM TRÙNG.

Các xét nghiệm: xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT) để phát hiện nhóm các nguyên nhân thường gặp: Chlamydia, lậu cầu…
Trong trường hợp nghi ngờ có thể cần làm thêm xét nghiệm sàng lọc ung thư để loại trừ. 

3. Điều trị
(CHÚ Ý VIỆC ĐIỀU TRỊ NÀY LÀ THAM KHẢO, KHUYẾN CÁO CÁC BẠN CẦN ĐẾN CƠ SỞ KHÁM BỆNH ĐỂ ĐƯỢC BÁC SĨ THĂM KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ CỤ THỂ) 

  • Điều trị viêm cổ tử cung càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng sau này cho sinh sản.
  • Nếu nghi ngờ viêm cổ tử cung nên làm xét nghiệm các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục thường gặp. 
  • Trong trường hợp không có điều kiện xét nghiệm, bệnh nhân có thể được điều trị chlamydia dự phòng, đặc biệt nếu họ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. 
  • Đối với nhiễm Chlamydia: Azithromycin 1 g uống một lần duy nhất hoặc với Doxycycline 100 mg uống hai lần/ngày trong 7 ngày
  • Lậu cầu: Ceftriaxone 250 mg tiêm bắp một lần phối hợp với azithromycin 1 g uống một lần hoặc cefixime 800mg uống 1 lần duy nhất. 

Ngoài việc dùng thuốc thì người bênh cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bộ phận sinh dục bằng các loại dung dịch vệ sinh đươc bác sĩ chỉ định.

4. Phòng tránh

  • Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su giúp gỉam nguy cơ mắc bệnh. 
  • Tránh sử dụng sản phẩm chứa nhiều hoá chất dễ gây kích ứng, tránh thụt rửa. Khi sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san, nên xem kĩ hướng dẫn sử dụng về việc loại bỏ hoặc vệ sinh dụng cụ. 
  • Nếu có yếu tố nguy cơ như nhiều bạn tình hoặc có nghi ngờ, các bạn nên đi khám sớm và được loại trừ sớm. 

Bệnh nhân nhiễm trùng do Mycoplasma Genitalium không triệu chứng.

Ảnh: Bệnh nhân nhiễm trùng do Mycoplasma Genitalium không triệu chứng

 

Nguồn:
1. https://www.msdmanuals.com/.../vaginitis.../cervicitis 
2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562193/
3. https://www.healthline.com/health/cervicitis#prevention
 

Tác giả: Bác sĩ Trần Đức Cung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chính Hãng 100%

Chính Hãng 100%

By Biocare Co.Ltd

Hỗ Trợ Đổi Trả

Hỗ Trợ Đổi Trả

Đổi trả hàng khi đủ điều kiện

Hỗ Trợ & Tư Vấn

Hỗ Trợ & Tư Vấn

0889276125

Giao Hàng Nhanh

Giao Hàng Nhanh

Nhận hàng từ 5 – 7 ngày

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây